Nhận xét Lịch_triều_hiến_chương_loại_chí

Dương Quảng Hàm, trong quyển Việt Nam Văn học Sử yếu, đã nhận xét:"Bộ ấy đã thu thập một cách có phương pháp các tài liệu ở các sách vở cũ về hiến chương, chế độ của nước ta trước đời Nguyễn, rất tiện cho việc kê cứu. Ta có thể lấy bộ ấy làm gốc mà tham khảo thêm ở các sách sử ký, địa chí, điển lệ của ta để biết được văn hóa cổ thời của nước ta. Bởi thế gần đây các nhà bác học người Pháp, người Nam cũng theo đấy để khảo cứu về chế độ văn chương nước ta. Xem đó thì biết bộ ấy là một bộ sách có giá trị đặc biệt vậy..." [3]

Nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam G.P.Muraseva đánh giá: "Lịch triều hiến chương loại chí là một bộ sách xứng đáng được gọi là bộ bách khoa toàn thư về cuộc sống Việt Nam. Công trình này thực tế không có công trình nào sánh nổi về bề rộng của phạm vi các vấn đề trong khoa lịch sử sử học Việt Nam thời phong kiến".

"Mười bộ môn trong công trình của Phan Huy Chú là 10 lĩnh vực khoa học riêng. Nếu chia theo ngành khoa học, có thể thấy tập trung ở Phan Huy Chú: nhà sử học, nhà địa lý học, nhà nghiên cứu pháp luật, nhà nghiên cứu kinh tế, nhà nghiên cứu giáo dục, nhà nghiên cứu quân sự, nhà thư tịch học, nhà phê bình văn học, nhà nghiên cứu văn hóa, sử. Lĩnh vực nào Phan Huy Chú cũng tỏ ra uyên bác và có những quan điểm sâu sắc. Với sự phân loại, hệ thống hóa từng bộ môn như thế, Lịch triều hiến chương loại chí đánh dấu một bước phát triển cao của thành tựu khoa học Việt Nam hồi đầu thế kỷ 19... Qua Lịch triều hiến chương loại chí, chúng ta thấy Phan Huy Chú là một nhà bác học có lòng yêu nước thiết tha, có một ý thức dân tộc mạnh mẽ."[4].